Đó là anh Nguyễn Minh Nam, 31 tuổi, thầy giáo mỹ thuật tại TP.HCM.
Đó là anh Nguyễn Minh Nam, 31 tuổi, thầy giáo mỹ thuật tại TP.HCM.
Nguyễn Minh Nam tốt nghiệp ngành Thiết kế công trình, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Từng làm thêm trong một công ty về kiến trúc, chủ yếu xử lý công việc trên máy tính ở trong văn phòng, anh Nam đã lờ mờ cảm nhận được đây không phải cuộc sống mình mong muốn.
Năm thứ 4 đại học, trong khi thực hiện đồ án tốt nghiệp, một biến cố xảy đến với Nam khi ông nội của anh qua đời. Trong Nam thôi thúc mình phải thực hiện một đồ án gì đó liên quan đến người già, khỏa lấp trong mình nỗi trống trải khi người thân mất đi. Anh thiết kế một viện dưỡng lão, nơi đó không phân biệt không gian, vị trí của người giàu và người nghèo. Nơi đó có những không gian chung để mọi người có thể đọc sách, xem tivi, trò chuyện, sinh viên có thể đến sinh hoạt cùng người già, để viện dưỡng lão không cô đơn.
Sau đồ án tốt nghiệp ấy, Nam biết anh phù hợp hơn với các hoạt động cộng đồng, xã hội hơn. Như một cơ duyên, ngay sau đó anh có cơ hội tham gia một cuộc thi về đề xuất dự án cộng đồng do VTV - Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Được vào tới top 3, anh được đào tạo nhiều hơn về phát triển cộng đồng, phát triển bản thân.
Để có tiền trang trải cho cuộc sống ở TP.HCM, anh làm nhiều công việc như giáo viên dạy vẽ, thiết kế banner, poster, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Cũng trong thời gian này, anh tình cờ tham gia một dự án dạy vẽ cho trẻ em khó khăn ở khu vực Sở Thùng, P.11, Q.Bình Thạnh. Những buổi dạy vẽ cho những đứa trẻ đường phố mở ra trong Nam không chỉ tình thương, sự bao dung mà còn lại sự tỉnh thức. Anh thấm thía rằng không có đứa trẻ nào hư, chỉ có những đứa trẻ có biểu hiện xấu mà thôi và cách giáo dục có thể đổi thay những đứa trẻ theo hướng tích cực hoặc ngược lại.
Anh và nhiều người bạn của mình đã lập nên dự án phi lợi nhuận Diều Ngược Gió, hỗ trợ về giáo dục với phương châm tích hợp nghệ thuật vào giáo dục cho trẻ em từ năm 2015 tới 2018. Những thành công của dự án mở ra trong anh những khao khát phải học xa hơn về lĩnh vực tích hợp nghệ thuật rất thú vị nhưng còn rất mới mẻ ở Việt Nam.
“Tháng 11.2018 tôi chính thức nghỉ việc ở vai trò điều phối viên chương trình trong một tổ chức phi lợi nhuận của nước Anh, để dành nhiều hơn thời gian tìm hiểu về tích hợp nghệ thuật trong giáo dục. Tôi biết Mỹ với học bổng Fulbright đào tạo thạc sĩ về chuyên ngành này và đặt mục tiêu phải chinh phục được nó”, anh Nam hồi tưởng.
Một trong những điều quan trọng anh Nam học được trong thời gian tại Mỹ là giáo dục nhân văn dựa trên điểm mạnh của trẻ, thông qua lồng ghép nghệ thuật để có thể học các môn học khác.
Anh tham gia dự án Tiger, dùng kịch để dạy trẻ em về các vấn đề bạo lực. Những thành viên trong dự án của anh Nam đã tổ chức nhiều tour, mang các vở kịch tương tác về 80 trường tiểu học tại nhiều bang của Mỹ.
“Đây là quãng thời gian ý nghĩa với tôi. Tôi đã được học và thực hành rất nhiều, từ nhảy múa, viết kịch bản, sáng tạo, biểu diễn rối, sự chủ động trong công việc. Sự nhân văn trong môi trường giáo dục ở đây cho tôi hiểu ra rằng người thầy tuyệt vời là người luôn nhìn thấy và tin vào những tiềm năng của học trò”, anh Nam nói.
Những ngày tháng học tại ĐH Plymouth State, Mỹ cũng giúp anh Nam nhận ra giáo viên không phải là đóng khung cho học sinh về một đáp án đã được định sẵn mà luôn phải là người tạo ra những sự lựa chọn - “choice maker”.
“ Ví dụ khi đứa trẻ vẽ con cá, trẻ có màu xanh, đỏ, vàng và hỏi cô nên chọn màu nào. Cô giáo hỏi “vậy con sẽ chọn màu nào?”. "Con chọn màu xanh”. “Ồ, vậy con tô màu xanh nha”, cô giáo nói. Những đứa trẻ vốn đã có những sự quyết định ở trong tâm trí của mình, và chỉ thiếu sự tự tin để quyết định. Nhưng nếu giáo viên giành luôn sự quyết định ấy, bắt buộc cá phải màu vàng, cây phải màu xanh, đứa trẻ lâu dần không còn tự tin đưa ra quyết định nữa”, anh phân tích.
Nguyễn Minh Nam từng là tình nguyện viên, khảo sát viên của tổ chức Room To Read tại Việt Nam. Trước đó, sau khi tốt nghiệp ĐH, anh Nam còn có một quãng thời gian đi xuyên Việt từ TP.HCM tới Hà Nội - đi để tìm hiểu xem mình đang cần gì, mình muốn trở thành ai trong tương lai.
Anh sáng lập Vẽ Voi, dạy các khóa vẽ thư giãn, sketch note cho người trưởng thành. Anh cũng là một trong các thành viên sáng lập “Nguệch Ngoạc”, worshop miễn phí 1-2 buổi/tháng, giúp mọi người vẽ để được thư giãn, để kết nối, tìm sự bình yên.
Thầy giáo mỹ thuật giành học bổng Fulbright tới Mỹ từng là điều phối viên chương trình trong 1 tổ chức của Anh về kết nối khoa học thông qua nghệ thuật. Dự án có các hoạt động đưa rap, kịch, múa… giúp học sinh hiểu hơn về các môn khoa học tự nhiên, diễn ra tại trường THCS Trần Văn Ơn, THCS Bạch Đằng…
Thầy giáo hiện đang dạy mỹ thuật tại TP.HCM cho biết có một thực tế là nhiều cha mẹ cho con đi học vẽ chỉ mong con vẽ phải giống tranh mẫu. 10 bạn học xong thì vẽ như nhau cả 10.
“Với tôi, học mỹ thuật không phải là chép tranh, hay vẽ theo công thức, vẽ theo tranh mẫu. Cho trẻ học mỹ thuật, bản chất không phải là tìm cách để con trẻ vẽ khác đi, mà phải là hành trình giáo dục phụ huynh để họ nghĩ khác đi về tác phẩm của con, nhìn nhận nó với những câu chuyện phía sau”, anh Nam thẳng thắn.
"Mỹ thuật không phải là chép tranh, vẽ theo công thức, vẽ theo tranh mẫu"
“Với tôi, dạy nghệ thuật cho trẻ không phải để tất cả trẻ em đều trở thành nghệ sĩ, ngồi trong studio vẽ ra những bức tranh. Điều quan trọng, những người thầy dạy các em 8 phẩm chất cần phải có đó là tưởng tượng, quan sát, khả năng khám phá, thử nghiệm, thử sai, tiếp tục, tăng cường hiểu biết thế giới xung quanh và phân tích biểu đạt. Nghệ thuật là bộ môn có thể rèn luyện những tư duy này và chúng cần thiết với bất cứ ai, có thể ứng dụng vào bất kể ngành nghề nào”, anh Nam chia sẻ.
Thầy giáo mỹ thuật giành học bổng Fulbright tới Mỹ bộc bạch: “Tích hợp nghệ thuật trong giáo dục là một hành trình cần sự bền bỉ, kiên trì. Giáo dục nghệ thuật không chỉ chăm chăm đào tạo người học thành các nghệ sĩ, mà đang cho trẻ những kỹ năng, phẩm chất để các em trở thành những con người tin vào nghệ thuật, sống sâu sắc, hạnh phúc, biết cân bằng cuộc sống”.